Hi-Di tiên sinh qua đời mà không chỉ định ai làm chưởng môn, dẫn đến việc học trò của tiên sinh mạnh ai nấy nghiên cứu, không có sự thống nhất. Bản chính bộ sách chép tay lại nằm trong hoàng cung, khiến trong các đệ tử của tiên sinh, người được truyền dạy nhiều thì giỏi, người được truyền dạy ít thì kém nhưng vẫn tưởng mình đã học đầy đủ.

Năm 1127, quân Kim chiếm phía Bắc Trung Hoa, nhà Tống di cư xuống phía Nam. Khoa Tử-vi cũng theo đó chia thành Bắc tông và Nam tông. Bắc tông tuân theo đúng lý thuyết của Hi-Di, không sửa đổi gì về các sao và cách an sao, chỉ nghiên cứu mở rộng để áp dụng tương tự như hoàng tộc nhà Tống. Trong khi đó, Nam tông bị ảnh hưởng của khoa bói Dịch nên thay đổi rất nhiều:

  1. Vòng Thái-tuế
    Theo Hi-Di, có năm sao là: Thái-tuế, Tang-môn, Bạch-hổ, Điếu-khách, Quan-phù. Trong khi đó, Nam tông thêm vào bảy sao nữa là: Thiên-không, Thiếu-âm, Tử-phù, Tuế-phá, Long-đức, Phúc-đức, Trực-phù. Đặc biệt, vị trí chính của sao Thiên-không được thay bằng sao Địa-không (do Nam tông tự đặt ra).
  2. Giải đoán vận hạn
    Theo Hi-Di tiên sinh, đại hạn thứ nhất bắt đầu từ cung Huynh đệ hoặc cung Phụ mẫu. Trong khi Nam tông thay đổi, khởi từ cung Mệnh. Họ còn thêm những khái niệm đặc biệt như: Hạn Tam-tai, hạn Huyết-lộ, hạn Ác-thần, rồi dựa vào đó coi mỗi vì sao như một ông thần cần cúng vái để trừ tà.

Người ta thường gọi Bắc tông là chính phái, còn Nam tông là phái Hà-lạc.

Đời Nguyên, khoa Tử-vi bị cấm ngặt vì người Trung Hoa đồng hóa khoa Tử-vi với nhà Tống, nên việc Nguyên triều cấm đoán cũng không có gì lạ. Suốt thời nhà Minh, khoa Tử-vi không có gì đặc sắc, chỉ mô phỏng những lý thuyết từ thời Tống.

Đến đời nhà Thanh, vua nhà Thanh nhận thấy các thầy Tử-vi thường được lòng dân chúng, nhiều người lợi dụng việc coi Tử-vi để kích động dân chúng nổi dậy chống triều đình. Vì vậy, vua Khang Hy mời các nhà Tử-vi danh tiếng về kinh, phong cho mỗi người một chức quan để biến họ thành tôi tớ triều đình. Nhà vua còn cử một người gốc Thanh đứng ra cai quản nhóm này, soạn thành bộ Tử-vi đại toàn.

Bộ sách này chưa được in thành sách. Trong dịp bát quốc xâm lược Trung Hoa, quân đội Pháp và Nhật mỗi nước đã chiếm giữ được một bản.

—Theo Trần Đại Sỹ—